Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 6/1/2016, theo đó ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa. Quy định trên bị “phản pháo” dữ dội từ người có xe, luật sư đến cơ quan chức năng.
Nhiều người lo ngại bình cứu hỏa phát nổ trước khi "chữa cháy"
Xuất phát từ nhiều vụ ô tô bốc cháy bất thường khi đang lưu thông, Bộ Công an ban hành Thông tư số 57 nhằm hạn chế rủi ro cho người và tài sản. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, mục tiêu của Bộ Công an là rất đáng hoan nghênh nhưng việc đặt bình cứu hỏa vào xe trong điều kiện xe chạy bị xóc, hoặc dưới trời nắng nóng khi xe đỗ mà máy lạnh chưa hoạt động, nhiệt độ ngày hè trong xe có khi lên tới 70 độ thì việc tăng áp suất trong bình cứu hỏa rất dễ gây cháy nổ. Đó là lý do nhà sản xuất đặt cảnh báo rõ ràng ngoài vỏ bình: Đặt bình nơi khô ráo, thoáng gió, tránh anh nắng, tránh bức xạ mạnh và nhiệt độ không quá 50 độ.
Trên thế giới, nhiều quốc gia như Nam Phi, Quatar… thậm chí Quốc đảo Mauritius quy định bình cứu hỏa đặt trong xe ở vị trí lái xe với tay được. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền. Ở Bắc Âu: Anh, Thụy Điển, Đan Mạch chỉ khuyến cáo chứ không bắt buộc trong xe phải có bình cứu hỏa. Ở những nước này, chất lượng bình cứu hỏa của họ thuộc “đẳng cấp” như chịu được thay đổi nhiệt độ từ -40 độ cho đến 120 độ. Còn chất lượng bình cứu hỏa ở nước ta đang bị thả nổi, chưa có cơ quan chức năng nào kiểm định, dán nhãn công nhận hàng đảm bảo chất lượng.
Cả nước có gần 1 triệu xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ nếu buộc áp dụng quy định trên thì cần đến cả triệu bình cứu hỏa. Đây là cơ hội cho những kẻ gian lận trong nhập khẩu và buôn bán hàng kém chất lượng để kiếm lời. Đặc biệt là khi nhập về một số lượng lớn và phân phối trên khắp 63 tỉnh thành thì việc kiểm tra, kiểm soát sẽ khó khả thi.
Băn khoăn của những chủ xe là, nếu mua bình cứu hỏa thì đặt tại vị trí nào khi trong xe không thiết kế vị trí lắp bình? Với lại, chúng tôi được nghe nhiều trường hợp bình cứu hỏa phát nổ làm cháy xe, vậy thì bình cứu hỏa chẳng khác nào “bom nổ chậm”.
Cho nên, nếu mua bình cứu hỏa thì rất dễ xảy ra trường hợp chủ xe xả hết keo bọt ra khỏi bình rồi mới cho đặt vào xe để “cho lành”. Đó có thể là cách đối phó khi bị cơ quan chức năng kiểm tra. Nếu như vậy chi phí để lắp bình cứu hỏa sẽ thật vô ích.
Một số luật sư đã vào cuộc. Họ đề nghị Cục Kiểm tra văn bản, quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) xem xét lại thẩm quyền ban hành Thông tư 57, liệu có bỏ qua căn cứ pháp luật về giao thông đường bộ, phòng, chống cháy nổ? Mặt khác, quy định trên không phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ cao hơn không lắp bình cứu hỏa. Rõ ràng là phản tác dụng. Nên chăng các cơ quan chức năng xem xét lại các phản biện đa chiều từ phía xã hội để có giải pháp khả thi.